Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm 2018. Vì thế, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khuyến cáo mọi người nên hạn chế những sản phẩm nhựa.
Cách tái chế đồ nhựa thành đồ dùng gia dụng
Chai nhựa là một vật dụng chiếm phần lớn rác thải nhựa nhưng cũng là một chất liệu khá hữu ích trong cuộc sống của bạn và gia đình. Để góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe, bạn có thể áp dụng 10 cách làm đồ tái chế từ chai nhựa sau đây nhé.
Dùng vỏ chai để bảo vệ ống kính máy ảnh
Bạn dùng dao rọc giấy cắt phần đế của chai nhựa có đường kính bằng với ống kính máy ảnh rồi chụp gọn lên ống kính và cất giữ cẩn thận để tránh trầy xước khi di chuyển.
Cách tái chế vỏ chai làm chổi quét nhà
Bạn hãy chuẩn bị 3-4 chai nhựa (khoảng 1,5l), dao rọc giấy, kéo, dây thun và khúc gỗ làm tay cầm rồi thực hiện các bước sau đây:
– Dùng dao rọc giấy cắt bỏ phần đáy, giữ lại phần thân chai.
– Dùng kéo cắt dọc theo thân chai, cắt sợi càng nhỏ thì chổi sẽ quét sạch hơn.
– Chai thứ nhất bạn chừa lại phần cổ chai để gắn cán chổi, từ chai thứ hai trở đi thì cắt bỏ phần cổ chai, chỉ chừa lại phần thân.
– Xếp chồng phần thân chai đã cắt lên vỏ chai có cổ để làm lông chổi.
– Dùng tuốc nơ vít để đục một lỗ gần cổ chai rồi đưa dây thun vào tách phần lông chổi ra cho dễ quét và cố định 2 đầu dây thun ở miệng chai.
– Cuối cùng bạn đóng que gỗ vào miệng chai rồi dùng đinh cố định lại là sẽ có một cây chổi quét nhà tiện dụng.
Tận dụng chai nhựa để tưới nước cho cây
Bạn cũng có thể làm hệ thống tự động tưới nước cho cây bằng cách cắt bỏ phần đáy của chai rồi dùng vật nhọn tạo vài lỗ trên nắp chai. Tiếp đến, bạn đặt úp ngược chai vào chậu cây rồi dùng đất lấp chai để chai đứng vững. Bạn từ từ đổ nước vào chai để nước men theo lỗ trên nắp chai thoát ra và ngấm vào đất từ từ.